LÀM THẾ NÀO ĐỂ TIẾT KIỆM THẬT HỮU HIỆU KHI ĐI HỌC Ở XỨ NGƯỜI?

Leave a Comment
Tiết kiệm tiền là một điều không hề dễ dàng, đi du học lại càng khó hơn. Những mẹo vặt đơn giản sẽ giúp bạn “sống sót” trong những năm du học như: ăn no trước khi đi siêu thị, hạn chế tối đa tính tiền bằng thẻ...
1. Nhớ ăn no trước khi đi siêu thị
Nghe qua thấy buồn cười và nghe có vẻ vớ vẩn nhưng thực ra đây là một mẹo tiết kiệm tiền rất hay mà mình từng trải qua.

Khi đói chúng ta thường có tâm lý cái gì cũng muốn ném vào giỏ hàng, đụng cái gì cũng muốn mua nhất là danh sách các đồ ăn, đồ uống. Khi bạn ăn no trước khi đến siêu thị thì sẽ có trạng thái tâm lý hoàn toàn khác, gặp đồ gì cũng chẳng muốn mua vì thấy no sẵn rồi mà.
Nếu bạn không tin, hãy kiểm chứng đi. Mình từng là "con chuột" của thí nghiệm này rồi nên không có nói bừa đâu.
2. Hạn chế tối đa tính tiền bằng thẻ
Việc sử dụng thẻ visa hay master để tính tiền khi đi siêu thị hay bất cứ việc gì ở phương Tây rất phổ biến. Có lẽ việc dùng thẻ để giao dịch ở Việt Nam chưa quá phổ biến đặc biệt trong siêu thị nhưng theo mình sinh viên du học nên hạn chế tối đa cách làm này bởi nó tiện thì tiện thật nhưng không có lợi.
Vì sao nó lại không có lợi? Vì khi chúng ta tính tiền bằng thẻ luôn đi kèm với một tâm lí "mắt không thấy nên cứ quẹt thẻ một cách tẹt ga" còn khi chúng ta trả tiền bằng ví thì sẽ biết thấy rõ sự hao hụt tiền trong ví. Đặc biệt là sinh viên du học xa nhà nên phải tiết kiệm tối đa và khi rút tiền liên tục cho việc chi tiêu sẽ thấy ví "mỏng dần" mà hạn chế mua sắm.
3. Không nên mang nhiều tiền khi đi mua sắm
Những trung tâm hiện đại mọc san sát ở các nước Châu Âu luôn thu hút các du học sinh vào guồng quay mua sắm đồ áo linh tinh. Theo như mình chứng kiến, số tiền mà Nhà nước hay bố mẹ cấp cho bạn khi đi du học luôn đủ nhưng với những người cuồng mua sắm thì sạch ví ngay sau vài tháng.
Mua sắm ở đâu cũng đắt đặc biệt là các thương hiệu lớn, hơn nữa sinh viên luôn muốn mặc đẹp, mặc sang nên tiền từ đó mà trôi đi hết.
Có một mẹo nhỏ là khi đi mua sắm, hoặc là bị bạn bè rủ rê, hoặc là đi chơi dạo dạo vì ở nhà buồn quá thì nên mang theo ít tiền thôi nhé. Nhất là đi cùng bạn bè cứ tâm lý người này mua thấy đẹp, thấy rẻ nên mình cũng "máu" lên là mua theo. Còn nếu bạn mang ít tiền đủ tiền xe, tàu và ăn uống lặt vặt khi đói thì bạn có muốn mua cũng chịu.
Có nhiều người nói có thể vay bạn bè nhưng trường hợp đó chỉ hợp với người mê mua sắm đến cuồng thôi, còn sinh viên, mua đồ hiệu sáng mai biết ăn gì đây?

4. Nên mua mỗi thứ một ít
Đó có thể là một bí kíp hay đấy các bạn ạ. Mình từng mua rất nhiều bơ vì nhìn ngoài nó ngon quá, ai dè vài hôm ăn không hết nó lại nhanh hỏng, quá phung phí. Đó chỉ là một trong rất nhiều đồ ăn, thức uống mà chúng ta cứ mua một lần cả kí, cả gói to đùng, về ăn ngon đã đành, còn không ngon coi như vứt hết.
Kinh nghiệm cho các bạn du học sinh khi đi mua đồ ở siêu thị, dù thích hay ngon đến mấy cũng nên mua số lượng vừa đủ ăn một đến hai hôm. Vì có thể hôm sau họ lại nhập về thứ khác ngon hơn, tươi hơn, rẻ hơn thì sao? Bởi vậy vừa có lợi cho sức khỏe vì đồ để lâu không còn vị ngon nữa lại vừa tiết kiệm khi các bạn mua số lượng vừa đủ cho mình dùng.
5. Canh chừng ngày giảm giá
Ở phương Tây luôn có những dịp đồ giảm giá khá sốc, có thể là vào ngày lễ, ngày kỉ niệm của cửa hàng đó.
Hãy tận dụng cơ hội này để mua đồ vì bạn sẽ được sở hữu một chiếc áo đẹp nhưng đã giảm giá so với trước. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi những cửa hàng luôn giảm giá theo chu kỳ của nó. Nếu như ở Nga, cứ đến ngày lễ của Nga thì hầu như tất cả các cửa hàng đồ áo đều giảm giá đồng loạt và mọi người thoải mái mua sắm với giá rẻ hơn, ít hay nhiều phụ thuộc vào chất lượng và ngày nhập của nó nữa.
6. Hãy chờ đến cuối mùa
Nếu bạn không thực sự cần món đồ đó nhưng bạn rất thích và muốn sở hữu? Vậy thì hãy chờ nó đến cuối mùa...
Các siêu thị, cửa hàng quần áo đều giảm giá mạnh với hàng loạt quần áo khi đã sang mùa mới. Khi mùa hè sắp đến thì đồ đông sẽ giảm giá cực mạnh.
Mình hay làm như vậy đấy, tiết kiệm được khối tiền mà vẫn sở hữu được nó, mặc dù đôi lúc để nó sang mùa mới... mới được mặc nó.
Với lại theo cách này bạn có thể không mua được nó vì món đồ đó đã được bán hết. Điều này có thể áp dụng với nhãn hàng thời trang bình dân nổi tiếng Zara.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét